“ANH À, CUỘC ĐỜI KHỐN NẠN LẮM…”
Câu nói này tưởng như của một người trưởng thành sau khi chiêm nghiệm biết bao buồn vui ở cuộc đời. Nhưng không, tôi nghe câu nói này từ rất nhiều bạn trẻ khi mới tốt nghiệp đại học, chập chững bước vào cuộc đời. Em tốt nghiệp một trường đại học cũng có tiếng. Sau một hồi xin việc không được, gia đình lại bỏ cả đống tiêu cực phí để “chạy” cho em một chân ở ngân hàng. Lương khá thấp. Em lại thỉnh thoảng bán hàng online với ước mơ trở thành doanh nghiệp triệu đô trong tương lai. Em trách cuộc đời. Một cuộc đời bất công với những con ông cháu cha ngồi lên những chỗ mà theo em, em xứng đáng được ngồi. Một cuộc đời với ngôi trường dạy em những thứ mà chẳng áp dụng được trong cuộc sống và vô vàn điều khác nữa. Em luôn nghĩ rằng mình là một anh tài sinh ra không hợp với thời thế.
Tôi mỉm cười và nói với em rằng: “Thiếu cả kiến thức và thái độ, em không giỏi như em nghĩ đâu”.
Đầu tiên, tạm thời bỏ qua những bất cập về giáo viên, giáo trình, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ cập nhật tiểu thuyết, sách self-help nhanh nhất thế giới. Những cuốn như Harry Potter hay tiểu sử của Steve Jobs chỉ mất 6 tháng để dịch và rồi tràn lan trên các kệ sách. Thật vậy, Việt Nam luôn nhập khẩu những thứ “thời thượng” và “xu hướng” nhất. Những thứ “cổ” hơn thì cập nhật sau, thậm chí không nhập khẩu vì cổ quá. Điều này dẫn đến tình trạng, các bạn trẻ chỉ biết ngọn mà không biết gốc. Khi cả thế giới cạnh tranh với nhau chán chê về chất lượng, marketing, dịch vụ khách hàng rồi, khi mà tất cả đều giỏi những thứ đó thì họ phải nghĩ ra thứ mới để cạnh tranh. Từ đó, các công ty đề cao sự “sáng tạo”. Các bạn trẻ ham đi học những lớp học thành công nhanh, bí quyết làm giàu sẽ được nghe những kiến thức rất mới mẻ và choáng ngợp với nó. Họ trở về công ty hô hào “văn hóa doanh nghiệp”, “sáng tạo đổi mới” dù chẳng biết tại sao, điều đó mang lại lợi ích gì, trong khi những vấn đề cơ bản còn rất nhiều khiếm khuyết. Xây dựng doanh nghiệp như xây lâu đài trên cát. Chỉ cần một sai xót nhỏ thì lâu đài sẽ sụp đổ. Các doanh nghiệp non trẻ thiếu kiến thức nền tảng, thiếu nội lực tài chính chắc chắn sẽ sụp đổ. Kết quả là họ không hiểu tại sao mình áp dụng những kiến thức tân tiến nhất rồi mà vẫn đổ. Họ lại đi đổ lỗi cho cuộc đời.
Thứ hai, sinh viên bước vào đại học với quyết tâm…không học. Các em bước vào đại học với những tư duy lệch lạc từ gia đình và xã hội. Các bạn hẳn rất quen thuộc với những câu nói : “Thôi cố mà học để thi đại học, vào đại học rồi thì được chơi thoải mái.”, “Những thứ học trong trường chẳng áp dụng được ở ngoài đời đâu.”, “Mày học có giỏi thì ra ngoài bưng nước chè cũng không đắt.”. Tư duy này tiếp tục đi theo các bạn khi ra đời khởi nghiệp. Khi mình gợi ý các bạn nên đi học để bổ sung kiến thức còn thiếu thì các bạn ngần ngại – “học cũng thế, không học cũng thế anh ạ”, “giờ muốn giàu là phải có quan hệ cơ”. Tôi không phủ nhận những câu nói đó có một phần đúng nhưng xã hội mới nhìn vào bề mặt của vấn đề chứ không hiểu nguyên nhân của nó. Dù kiến thức nền tảng là rất “cổ” nhưng các bạn vẫn cần học. Học để biết mình thiếu điều gì rồi ra ngoài bổ sung. Nói thực, sau bốn năm học đại học, kiến thức trong đầu của các bạn mang đi tán gái một buổi là hết cái để nói. Việt Nam còn đang quá độ nên sáng tối nhập nhèm nhưng các bạn phải hiểu rằng “cửa chính là cửa chính, còn cửa phụ mãi là cửa phụ”. Không một ai có thể đi ngược lại các quy luật cung cầu, tài chính, kinh tế ngoại trừ Triều Tiên khi bạn đóng cửa không chơi với ai. Trong một tổ chức, có 9 thằng con ông cháu cha vô dụng thì cũng cần 1 thằng có tài để làm được việc.
Tóm lại, kiến thức chắp vá, thiếu hệ thống cùng với tư duy quyết tâm không học, các bạn hi vọng gì để đạt được thành công trong cuộc đời. Các bạn lại đổ lỗi cho cuộc đời không công bằng. Chỉ có ba lựa chọn:
-Bạn thay đổi môi trường
-Môi trường thay đổi bạn
-Bạn chuyển qua môi trường khác
Nếu bạn không thể thay đổi được môi trường thì bạn phải thay đổi bản thân. Biết là “giang sơn dễ đổi, bản tính khó rời” nhưng nếu bạn không thay đổi bản thân mà cứ ngồi đợi thì chẳng bao giờ thành công đến với bạn. Cuộc đời vốn đơn giản. Mọi người trả tiền để người khác giải quyết vấn đề của họ. Bạn đi làm, công ty trả lương chính là để bạn giải quyết khó khăn cho công ty. Còn nếu bạn phải đưa cho họ tiêu cực phí để có chỗ làm thì nghĩa là công ty đang nhận tiền để giải quyết thêm “cục nợ”-chính là bạn. Cuộc đời luôn có nhân tài và những kẻ bất tài. Phải có những kẻ bất tài thì nhân tài mới có thể nổi bật. Trở thành kẻ bất tài hay nhân tài, đó là sự lựa chọn của bạn.
Tác giả: Vũ Minh Trường - thành viên khởi nghiệp Việt Nam
Nhận xét
Đăng nhận xét